Lễ hội Bani (bang Andhra Pradesh)
Lễ hội Bani được tổ chức tại Đền Devaragattu ở quận Kurnool, bang Andhra Pradesh. Mỗi dịp lễ Dusshera, hàng trăm người sùng đạo lathi từ Andhra và Karnataka tập trung tại ngôi đền này để đánh nhau vào lúc nửa đêm. Với cơ thể đẫm máu, những người đàn ông này tiếp tục tổ chức lễ kỷ niệm cho đến rạng đông, để tưởng nhớ việc Mala-Malleshwara (Shiva) giết một con quỷ. Theo lời kể của linh mục ngôi đền, lễ hội này đã được tổ chức hơn 100 năm, có năm có tới 56 người bị thương trong lễ hội Bani.
Lễ hội rắn Nag Panchami
Người Ấn Độ có mối quan hệ rất lâu đời với loài rắn. Những sinh vật đáng sợ này đã đóng một vai trò nổi bật trong suốt thần thoại và văn hóa dân gian Ấn Độ. Nhiều người vẫn còn biết đến Ấn Độ với cái tên Xứ sở của rắn. Đến nay, vào ngày 5/5 âm lịch hằng năm, lễ hội Nag Panchami vẫn được tổ chức trên khắp Ấn Độ và Nepal. Các loại rắn hổ mang sống, không có nọc độc được tôn thờ ở khắp nơi và những người sùng đạo cho chúng ăn sữa, thậm chí cả chuột. Người ta tin rằng rắn không cắn người trong lễ Nag Panchami.
Lễ hội hổ Puli Kali (bang Kerala)
Lễ hội Puli Kali được tổ chức chủ yếu ở quận Thrissur, tỉnh Kerala, là một cảnh tượng đầy màu sắc rực rỡ. Các nghệ sĩ với cơ thể vẽ hình những con hổ màu vàng, đỏ và đen tràn ra đường, nhảy múa theo những nhịp điệu dân gian truyền thống. Mỗi năm, có hàng nghìn người tụ tập để xem cảnh tượng thú vị này.
Hội chợ lạc đà Pushkar (thị trấn Pushkar, bang Rajasthan)
Được tổ chức tháng 11 hằng năm vào thời điểm trăng tròn Kartik Purnima, hội chợ lạc đà Pushkar là một cảnh tượng đặc biệt ngoạn mục. Trong 5 ngày, hơn 50.000 con lạc đà được cạo lông, mặc quần áo, diễu hành, tham gia các cuộc đua và cuộc thi sắc đẹp... Thêm vào đó là các nhạc sĩ, vũ công, nghệ sĩ nhào lộn, ảo thuật gia cùng đến để giải trí cho du khách.
Lễ hội Theemithi (bang Tamil Nadu)
Bắt nguồn từ Tamil Nadu, lễ hội Theemithi đã lan rộng sang Sri Lanka, Singapore và Nam Phi. Theemithi là một phần của nghi lễ lớn kéo dài trong khoảng 2 tháng rưỡi, nơi các phần của lễ Mahabharata được tái hiện, tổng cộng lên đến 18 nghi thức trong đó nổi bật là nghi lễ bước đi trên mộ t đống lửa.
Lăn qua thức ăn thừa - Madey Snana (bang Karnataka)
Phân biệt đẳng cấp là một trong những vấn đề lâu đời nhất của Ấn Độ. Trong khi xã hội đã thay đổi và lên án sự phân biệt đối xử, nhiều người vẫn cố chấp tuân theo. Đền Kukke Subramania có một truyền thống kỳ lạ từ nhiều thế kỷ trước được gọi là Madey Snana hay Spit Bath. Những người từ tầng lớp thấp hơn lăn trên thức ăn thừa trong lá chuối của những người Bà La Môn để chữa khỏi các bệnh khác nhau. Tập tục này đã bị cấm vào năm 2010, nhưng lệnh cấm bị dỡ bỏ vào năm 2011 sau các cuộc phản đối của bộ lạc Malekudiya.
Đám cưới động vật - Làm hài lòng thần Mưa
Ở Ấn Độ, mưa là yếu tố rất quan trọng với cuộc sống của con người. Không có gì ngạc nhiên khi người ta làm các nghi lễ để cầu mưa. Đám cưới ếch là một trong các nghi lễ cầu mưa phổ biến ở các ngôi làng trên khắp Assam và Maharashtra, trong khi ở Karnataka, những con lừa được tổ chức lễ cưới. Một số nơi thậm chí còn làm đám cưới chó.
Nghi thức để bò giẫm đạp - Govardhan Puja (bang Madhya Pradesh)
Bò là loài vật linh thiêng đối với người theo đạo Hindu. Sự tôn sùng này được đưa lên một tầm cao mới tại làng Bhiwdawad, ở bang Madhya Pradesh. Lễ hội Govardhan được tổ chức vào dịp lễ Enadakshi, 1 ngày sau lễ Diwali. Dân làng trang trí cho những con bò của họ bằng hoa, màu sắc và lá móng rồi nằm xuống đất để cho chúng giẫm đạp lên. Nghi lễ này diễn ra sau 5 ngày nhịn ăn, người dân tin rằng điều này sẽ khiến các vị thần linh ứng với lời cầu nguyện của họ.
Đập dừa lên đầu - Lễ hội Aadi (bang Tamil Nadu)
Hằng năm, vào ngày 18 tháng Aadi của người Tamil, hàng nghìn người sùng đạo đổ về đền Mahalakshmi, Mettu Mahadhanapuram, quận Karur, bang Tamil Nadu và sẵn lòng cho phép các vị linh mục đập mạnh những quả dừa lên đầu họ để cầu may mắn và sức khỏe bất chấp những đau đớn hoặc thương tích.
Đắm mình trong những thùng nước - Lễ hội cầu mưa Varuna Yajna
Những cơn mưa mang lại sức sống mới. Và khi thần mưa quay lưng lại thì người ta phải ve vuốt ngài để cầu mưa. Vào ngày lễ Varuna Yajna, để xoa dịu thần mưa và cầu thần ban những cơn mưa cho người dân, các thầy tu phải ngâm mình trong thùng nước và niệm tên Chúa Varun một vạn lần.
Tự làm đau - Lễ tang Muharram
Đó là tháng thánh của sự tưởng nhớ và thương tiếc. Ngày để tang bắt đầu vào ngày đầu tiên của tháng với thời gian nhịn ăn 10 ngày và lên đến đỉnh điểm là Ngày Ashura (ngày thứ 10), khi người Hồi giáo dòng Shia thực hiện nghi lễ thả trôi hàng loạt để tưởng nhớ sự tử đạo của Hussein, cháu trai của nhà tiên tri Muhammad. Trong một màn thể hiện sự sùng kính đáng sợ, những người đàn ông dùng lưỡi dao gắn vào dây xích quất vào cơ thể một cách không thương tiếc cho đến khi họ thấm đẫm máu của chính mình. Trong trạng thái xuất thần tôn giáo, họ khẳng định không hề cảm thấy đau đớn.
Lễ hội thờ cúng vũ khí - Ajudh / Astra Puja
Điều này chỉ có thể xảy ra ở Ấn Độ. Một phần của lễ kỷ niệm Navratra, Ajudh hoặc Astra Puja là dịp để bày tỏ sự tôn trọng của một người đối với tất cả các công cụ, máy móc, tiện ích, dụng cụ và đặc biệt là vũ khí. Các nghi lễ có thể khác nhau nhưng lễ puja này được phổ biến trên khắp Ấn Độ.
Nghi thức trừ tà bằng hôn nhân - Đám cưới người với động vật
Ở Ấn Độ, những cô gái sinh ra với một chiếc răng khểnh hoặc những đứa trẻ sinh ra với khuôn mặt bị biến dạng được cho là bị ma ám. Họ phải kết hôn với một con vật, điển hình là một con chó hoặc một con dê, điều này được cho là sẽ loại bỏ một trong những linh hồn, điềm xấu và mang lại sự tốt đẹp.
Nguồn: https://baogiaothong.vn/nhung-le-hoi-nghi-le-ky-la-o-an-do-khien-du-khach-soc-nang-d475886.html