Hà Giang là một tỉnh thuộc vùng Đông Bắc Việt Nam. Phía Đông giáp tỉnh Cao Bằng, phía Tây giáp tỉnh Yên Bái và Lào Cai, phía Nam giáp tỉnh Tuyên Quang phía Bắc giáp nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.Tỉnh Hà Giang có 11 đơn vị hành chính cấp huyện gồm 1 thành phố (Hà Giang) và 10 huyện (Bắc Mê, Bắc Quang, Đồng Văn, Hoàng Su Phì, Mèo Vạc, Quản Bạ, Quang Bình, Vị Xuyên, Xín Mần, Yên Minh). Hà Giang có diện tích tự nhiên là 7.884,37 km2, trong đó theo đường chim bay, chỗ rộng nhất từ tây sang đông dài 115 km và từ bắc xuống nam dài 137 km. Tại điểm cực bắc của lãnh thổ Hà Giang, cũng là điểm cực bắc của Tổ quốc, cách Lũng Cú chừng 3 km về phía đông, có vĩ độ 23013’00”; điểm cực tây cách Xín Mần khoảng 10 km về phía tây nam, có kinh độ l04024’05”; mỏm cực đông cách Mèo Vạc 16 km về phía đông – đông nam có kinh độ l05030’04”.
Nổi tiếng với phong cảnh hùng vĩ cùng với những thửa ruộng bậc thang ngút tầm mắt, những cánh đồng hoa tam giác mạch phủ tím những quả đồi hòa quyện với bản sắc văn hóa dân tộc vùng cao là những điều thu hút du khách khắp nơi đến với Hà Giang.
Khung cảnh hùng vĩ của mảnh đất cực Bắc Tổ quốc – Hà Giang mà mùa nào cũng đáng đi, đáng chiêm ngưỡng. Nơi mà những con đường chạy ngút lên trời xanh, nơi hình hài đất nước nổi lên như bản đồ, nơi ruộng bậc thang kỳ công lao động… Hà Giang là một điểm đến quá mỹ lệ đến mức không thể bỏ qua.
Bạn có thể đi du lịch Hà Giang vào bất kể mùa nào trong năm, bởi chỉ những con đường chạy trong núi đá Cao Nguyên cũng đã đủ hấp dẫn bạn đến thăm rồi. Một số thời điểm đẹp trong năm:
Tháng 1 với hoa đào, hoa mận, hoa cải vàng
Mùa xuân đến, khắp nơi từ Quản Bạ (Quyết Tiến, Minh Tân), Yên Minh (Lao Và Chải, Na Khê, Bạch Đích), Đồng Văn (Phó Bảng, Phố Cáo, Sủng Là, Sà Phìn, Thài Phìn Tủng), Mèo Vạc (Sủng Trà, Sủng Trái, Lũng Phìn), nơi nơi là đào, mận, cải khoe sắc cùng với nền đá đen của cao nguyên đá, với những nếp nhà trình tường.
Tháng 4 với Chợ tình Khâu Vai
Cứ ngày 27/3 âm lịch hàng năm, từ khắp các nẻo đường chênh vênh trên núi cao, những người dân trong trang phục của dân tộc mình đã ríu ran, rộn ràng xuống chợ, để tham gia Chợ tình Khâu Vai, mỗi năm chỉ có một lần.
Tháng 5 với mùa nước đổ ải
Mùa nước đổ thì đa phần ruộng phía Bắc nước ta đổ ải vào tầm tháng 5 – 6, ít nơi tháng 7, một vài thửa có thể tích nước từ tháng 4; nhưng đẹp nhất vẫn là lúc đang cấy dở, tầm tháng 5 – 6.
Tháng 9, 10 với mùa lúa chín
Mùa lúa chín thì thường bắt đầu vào cuối tháng 9 đầu tháng 10 dương lịch. Khi những thửa ruộng bậc thang ngả sang vàng rực cùng mùa lúa, là lúc khung cảnh kỳ vĩ của núi rừng thêm một lần đổi mới.
Tháng 11 với mùa hoa tam giác mạch
Tam giác mạch, loài hoa đặc trưng của cao nguyên đá Hà Giang với những bông hoa nhỏ li ti phơn phớt tím hồng hút hồn những người yêu hoa và mê chụp ảnh. Mảnh đất Hà Giang với màu xám của đá núi và màu hồng của hoa tam giác mạch. Màu xám sắc lạnh của lý trí và màu hồng kỳ diệu của giấc mơ. Sự đối lập kịch liệt lại hài hòa tuyệt đối trong một tổng thể… tạo nên vẻ đẹp vô song của Hà Giang.
Tháng 12 với tuyết rơi
Trên địa bàn huyện Mèo Vạc, thuộc Cao nguyên đá Đồng Văn, nhiều địa điểm có tuyết rơi trắng trời vào cuối tháng 12, du khách hiếu kỳ từ nhiều nơi đã may mắn được thưởng thức khung cảnh có một không hai trong năm.
Hà Giang là một tỉnh miền núi, nằm ở cực Bắc Việt Nam. Đường từ Hà Nội lên thành phố Hà Giang dài khoảng 280km, có thể tự lái ô tô, đi xe khách đường dài, xe tour du lịch hoặc xe máy đi ‘phượt’. Từ Hà Nội đến Hà Giang, bạn có thể tự lái hoặc tự thuê ô tô, đi xe khách, tự đi xe máy hoặc đi theo tour du lịch. Từ Hà Nội, bạn có thể dễ dàng tìm xe khách giường nằm lên thành phố Hà Giang, rồi từ Hà Giang tiếp tục thuê xe máy hoặc đi tiếp đến Đồng Văn hoặc các huyện khác. Tuyến đường đi xe khách phổ biến là Hà Nội – Vĩnh Yên – Việt Trì – Đoan Hùng – Phú Thọ - Tuyên Quang – Hà Giang. Cách này phù hợp với đi một mình hoặc nhóm ít người, không ngại di chuyển, đổi xe đi các chặng.
Xe khách Hà Nội - Hà Giang
Nếu đi tự túc bằng ô tô từ Hà Nội lên Hà Giang, bạn có thể đi theo cung đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai, đến thành phố Tuyên Quang thì rẽ phải đi Hà Giang. Cách này sẽ phù hợp hơn với những gia đình hoặc nhóm bạn muốn đi riêng, ở lại Hà Giang bao lâu tùy thích, chủ động đi đâu cũng được nhưng phải biết đường, biết lái ô tô và nắm rõ luật giao thông trên các tuyến đường.
Cung đường tự đi xe máy cũng như xe khách. Tuy nhiên do địa hình vùng núi của Hà Giang khá khó di chuyển, nhiều đường đèo, nhất là quãng đường ở Đồng Văn, Mèo Vạc nên hãy chắc chắn mình hoặc người đi cùng là ‘tay lái lụa’ hẵng đi nhé!
Những cung đường đèo uốn lượn ở Hà Giang
Hôm nay Ad và các bạn cùng nhau khám phá những địa điểm vô cùng nổi tiếng ở Hà Giang nhé !
1.Cột mốc số 0
Nếu bạn đến Hà Giang, đừng quên ghé qua cột mốc số 0 nằm ở quốc lộ 2. Đây là vạch đích đầu tiên trong chuyến đi khám phá Hà Giang, trở thành điểm thu hút rất nhiều du khách check-in.
2.Cao nguyên đá Đồng Văn
Cao nguyên đá Đồng Văn là một trong những điểm đến Hà Giang mà bạn phải check-in. Trải dài qua địa phận 4 huyện của tỉnh Hà Giang đây được xem là vùng đá vôi vô cùng đặc biệt. Nơi đây được tạo nên từ những điều kiện tự nhiên của môi trường, mang đậm vẻ đẹp hoang sơ. Tới đây, bạn sẽ cảm nhận được thiên nhiên núi rừng Hà Giang đẹp không lời nào tả xiết.
3.Cổng trời Quản Bạ
Cổng trời Quản Bạ được ví như ranh giới giữa trời và đất ở vùng địa đầu Tổ Quốc – Hà Giang. Đây chính là cửa ngõ đầu tiên và quan trọng nhất của Đồng Văn và cũng là nơi bắt đầu của con đường Hạnh Phúc. Đường đi đến cổng trời Quản Bạ khá hiểm trở. Hầu hết là đường đèo ôm sát vào núi, một bên là vách đá, một bên là vực thẳm nên bạn phải vô cùng cẩn thận nhé.
4.Dốc Thẩm Mã
Dốc Thẩm Mã là con đường đèo uốn lượn nằm trên quốc lộ 4C chạy từ Hà Giang đến huyện Mèo Vạc. Đây là cung đường quen thuộc cho những người yêu khám phá, thích chinh phục mảnh đất địa đầu của tổ quốc. Tương truyền rằng dốc Thẩm Mã là con dốc dùng để thẩm định sức ngựa. Nhưng cũng có truyền thuyết kể lại rằng, nếu những cặp đôi yêu nhau vượt qua hết con dốc Thẩm Mã sẽ có tình yêu lâu bền, hạnh phúc.
5.Nhà của Pao
Nằm trong khuôn viên của làng văn hóa du lịch Lũng Cẩm, nép mình giữa vẻ đẹp thiên nhiên hùng vỹ, nhà của Pao nổi tiếng trong phim “Chuyện của Pao” là điểm dừng chân của nhiều du khách. Cổng vào nhà Pao được làm bằng gỗ, chân cột và tường rào bằng đá, mái ngói âm dương phủ kín dấu vết thời gian. Ngay phía sau cánh cổng Nhà của Pao là cây đào rừng, tạo không gian trầm mặc, đặc biệt mỗi dịp tết đến xuân về hoa nở khiến phong cảnh nơi đây đẹp như một bức tranh.
Đầu tiên khi chuẩn bị ghé thăm địa điểm này tốt nhất khách du lịch Hà Giang không nên mặc những trang phục từ vải lanh trắng. Bởi theo phong tục của người dân tộc phía Bắc thì màu này tượng trưng cho tang tóc và điềm gở. Chính vì thế nếu bạn muốn có những bức hình đẹp thì hãy chọn những trang phục nổi bật với màu sắc khác nhé.
Bạn muốn có những giây phút thoải mái bên bạn bè tuy nhiên không nên cười nói quá to nhé, người dân trong bản sẽ không thích thú điều này đâu. Và nếu bạn có thấy một đứa trẻ dễ thương thì cũng không nên ôm ấp hay xoa đầu nhé. Vì người dân tộc quan niệm việc làm này sẽ có thể khiến trẻ nhỏ đau ốm đấy.
Còn nữa bạn cảm thấy vui vẻ thích thú khi tham quan nơi đây nhưng tuyệt đối không được huýt sáo. Bởi vì nếu bạn làm hành động này thì đồng nghĩa với việc gọi ma quỷ, bão giông về quấy rối dân làng và chắc chắn bạn sẽ không được chào đón đâu.
Nếu bạn ghé thăm nhà của Pao hay một ngôi nhà nào trong bản thì tuyệt đối không nên đụng vào bất cứ một đồ dùng nào trong nhà. Hãy xin phép người dân khi muốn đi vào nhà hay dùng cái gì của họ. Với những người dân tộc Mông, ở gian chính giữa thường là gian thờ do vậy mà khách sẽ không được ngồi tại đây. Và nếu ngồi ở bất kỳ gian nào thì cũng nên nhớ không được ngồi vào chiếc ghế đầu nhé. Đây là chiếc ghế mà người Mông dành cho cha mẹ kể cả khi họ đã khuất núi.
6. Dinh thự họ Vương
Dinh thự họ Vương nằm trên đỉnh một quả đồi nhỏ, nơi đây cửa vào có hàng cây samu cổ thụ, thẳng tắp. Dinh thự mang kiến trúc độc đáo, có sự ảnh hưởng của ba nền kiến trúc: Trung Quốc, dân tộc Mông và Pháp. Khu dinh thự này được Nhà nước công nhận là Di tích quốc gia năm 1993. Năm 2004, gia đình họ Vương quyết định cống hiến dinh thự này cho Nhà nước bảo tồn và nơi đây đã trở thành điểm đến hấp dẫn nhiều khách du lịch. Dinh thự được xây dựng hoàn toàn thủ công trong 9 năm, tốn 15 vạn đồng bạc trắng Đông Dương, tương đương 150 tỷ đồng lúc bấy giờ.
7. Cột cờ Lũng Cú
Cột cờ Lũng Cú là cột cờ Quốc gia thuộc xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. Nằm ở độ cao 1.470m so với mặt nước biển và có lịch sử lâu đời. Nơi đây được xem là nét bút đầu tiên trên bản đồ hình chữ S. Đứng từ đây, bạn có thể ngắm nhìn bao quát khung cảnh thiên nhiên, non sông hùng vỹ. Cột cờ Lũng Cú được biết đến là địa đầu Tổ quốc, đây là điểm đến nổi tiếng nhất của Hà Giang. Cột cờ nằm trên đỉnh Lũng Cú, lá cờ rộng 54m tượng trưng cho 54 dân tộc anh em của Việt nam, được đứng dưới chân cột và ngắm nhìn lá cờ là điều vô cùng tự hào đối với mỗi người khi đến đây.
8.Đèo Mã Pì Lèng
Đèo Mã Pí Lèng (còn có âm đọc là Mã Pì Lèng, Mã Pỉ Lèng, Mả Pì Lèng) thuộc tỉnh Hà Giang là cung đường đèo hiểm trở dài khoảng 20 km vượt đỉnh Mã Pí Lèng, một đỉnh núi có độ cao khoảng 1.200m thuộc Cao nguyên Đồng Văn. Đèo Mã Pí Lèng được mệnh danh là “vua đèo vùng cao”, một trong “tứ đại đỉnh đèo” của miền Bắc Việt Nam. Dù là con đường nguy hiểm bậc nhất nhưng nơi đây có ý nghĩa quan trọng, là một phần giao thông huyết mạch của “con đường Hạnh Phúc” nối liền Hà Giang, Đồng Văn và thị trấn Mèo Vạc.
9.Hẻm vực Tu Sản
Hẻm Tu Sản được mệnh danh là hẻm vực sâu nhất Đông Nam Á, với chiều cao vách đá lên đến 800m, dài 1,7km và sâu gần 1km, là kỳ quan độc nhất vùng cao nguyên đá Đồng Văn. Hẻm vực này là sản phẩm của sự kiến tạo kỳ diệu từ hàng triệu năm trước, khi nơi đây còn chìm trong lòng đại dương mênh mông. Từ hẻm vực Tu Sản, bạn sẽ thấy dòng sông Nho Quế êm đềm trôi. Nếu du lịch Hà Giang vào tháng 2, tháng 3, bạn sẽ thấy cả 2 bên bờ sông Nho Quế rực lên sắc đỏ hoa gạo, cùng màu xanh ngọc của nước, và màu đất đỏ trầm mặc tạo nên bức tranh núi rừng tuyệt đẹp.
10.Đồng Văn Bar coffee
Nếu ghé đến đèo Mã Pì Lèng, bạn đừng bỏ lỡ quán Đồng Văn Bar coffee. Ghé đây, bạn có thể uống cafe trong biển mây, ngắm nhìn toàn bộ quang cảnh của cao nguyên đá Đồng Văn hay thả mình theo dòng sông Nho Quế để cảm nhận vẻ đẹp đầy mê hoặc của thiên nhiên vùng cao.
11. Phố cổ Đồng Văn
Khu phố cổ Đồng Văn nằm ở trung tâm Thị trấn Đồng Văn. Tọa lạc trên cao nguyên đá từ 1000 – 1600m, vẻn vẹn 40 ngôi nhà xếp nhau dưới núi đá làm cho phố cổ thêm phần kỳ ảo. Đến với phố cổ Đồng Văn, bạn sẽ được chiêm ngưỡng những chiếc đèn lồng ngăn nắp, được thưởng thức tiếng kèn, tiếng nhạc đặc trưng của vùng cao nguyên đá. Và đặc biệt hơn nữa là những phiên chợ hàng đêm cuối tuần. Tất cả đã tạo thành nét đặc trưng riêng cho phố cổ Đồng Văn.
12.Rừng thông Yên Minh
Rời cổng trời Quản Bạ, bạn di chuyển theo hướng thị trấn Yên Minh sẽ đi qua rừng thông Yên Minh. Cung đường Yên Minh kéo dài khoảng 50 cây từ Quản Bạ, bao quanh là rừng thông xanh bạt ngàn, mọc thẳng tắp hai bên đường. Đến với rừng thông Yên Minh, bạn sẽ cảm nhận không khí se se lạnh, những làn sương mờ ảo còn bao phủ khắp cánh rừng thông. Nơi đây được ví như Đà lạt của miền Bắc. Bước chân vào rừng thông Yên Minh du khách như được tách rời khỏi những ồn ào, náo nhiệt ở thành phố.
13.THUNG LŨNG SỦNG LÀ
Thung lũng Sủng Là tại thị trấn Đồng Văn, trên quốc lộ 4C, được biết đến như một thiên đường của hoa cỏ vùng cao, người ta gọi Thung Lũng Sủng Là là nơi đá nở Hoa, trước đây thung lũng chủ yếu trồng hoa anh túc, giờ đây thung lũng Sủng Là nổi tiếng rất nhiều loài hoa đẹp.
Những cánh đồng và sườn núi, sườn đồi ở nơi đây trông rất nhiều hoa như Tam Giác Mạch, Cải Vàng, Hoa Hồng nhưng nổi tiếng nhất vẫn là hoa Tam Giác Mạch, đến đây bạn có thể bắt gặp những cánh đồng hoa tam giác mạch đẹp nhất nhì Hà Giang, rộng bao la, phủ sắc tím cả một vùng.
Sủng Là có những cánh đồng hoa tam giác mạch đẹp nhất Hà Giang.
14.HOÀNG SU PHÌ - DI SẢN QUỐC GIA
Hoàng Su Phì là 1 huyện của Hà Giang, không nằm trên cung đường từ Hà Giang lên Đồng Văn, và khá xa từ Hà Giang. Hoàng Su Phì gồm 6 xã là Bản Luốc, Sán Sả Hồ, Bản Phùng, Hồ Thầu, Nậm Tý và Thông Nguyên.
Nơi đây được biết đến như một địa điểm ngắm lúa chín nổi bật ở Hà Giang, cả một thảm lúa chín vàng quyến rũ mở ra trước mắt du khách. Đến địa điểm du lịch này, du khách sẽ được chụp ảnh thoả thích giữa những thửa ruộng bậc thang, bạn còn được đi chợ vùng cao, thưởng thức rượu cần hấp dẫn.
Chợ tình Khau Vai
Hà Giang có đến 24 dân tộc anh em, đồng nghĩa với việc mỗi bản làng, dân tộc lại có một phong tục, tập quán, lễ hội khác nhau. Hầu hết đều là các lễ hội để cảm tạ thần lúa, thần trăng, thần lửa,…những vị thần giúp mùa màng tươi tốt, người dân ấm no như lễ hội Lồng Tồng, lễ hội Gầu Tào, lễ hội nhảy lửa. Nổi bật hơn còn có chợ tình Khau Vai cho đôi lứa, trai gái hay lễ cấp sắc của người Dao – đánh dấu sự trưởng thành của người đàn ông dân tộc Dao. Các lễ hội này thường diễn ra vào mùa xuân, hoặc cuối thu đầu đông, là khi bắt đầu vào mùa vụ mới hoặc kết thúc mùa vụ, đến lúc nông nhàn.
Mùa nước đổ, mùa lúa chín trên những thửa ruộng bậc thang
Mùa nước đổ, còn được gọi là mùa đổ ải, là thời điểm người dân dẫn nước vào ruộng để ngâm đất. Thời điểm này thường diễn ra vào tháng 5 – tháng 6. Nước ngấm vào đất, chảy qua những khe núi, qua ống nứa, tràn vào mặt ruộng bậc thang, tạo thành những màu tranh đặc biệt: vàng vàng hồng hồng của phù sa, xanh lá, xanh nhạt của mạ vừa gieo, chỗ khác thì phản chiếu màu trời xanh biếc hay tim tím khi chiều về.
Mùa hoa Tam Giác Mạch
Hoa tam giác mạch được ví như ‘đại sứ du lịch Hà Giang’. Ban đầu chỉ là loài hoa trồng để lấy hạt, làm bánh ăn dự trữ chống đói trong mùa đông, khi mùa lúa chưa đến. Sau đó nhờ du lịch phát triển và vẻ đẹp sắc hoa khi nở mà tam giác mạch cũng như Hà Giang được du khách biết đến nhiều hơn .Chỉ cần đến Hà Giang vào khoảng cuối tháng 9, đầu tháng 10 cho đến tháng 11, đâu đâu cũng thấy những cánh đồng tam giác mạch bạt ngàn
MÓN NGON Ở HÀ GIANG
Cao nguyên núi đá Hà Giang không chỉ có cảnh vật hùng vĩ mê hoặc lòng người mà còn là thiên đường ẩm thực với những món ngon lạ và độc đáo.
Thắng Cố: Mùi thơm của thảo quả, hạt dổi và củ sả, quyện với vị béo ngậy của thịt làm ấm lại không gian giữa tiết trời se lạnh. Đàn ông Mông đi chợ Đồng Văn đều mong được ăn một bát thắng cố, uống vài bát rượu với bạn bè. Đồng bào Mông thường mang theo mèn mén, đến chợ mua thêm bát rượu và thắng cố là có thể mời bạn bè vui chung.
Thịt trâu gác bếp: là món ăn đặc sản thường thấy trong bữa ăn của người Thái đen. Món thịt này thường được làm từ bắp của những chú trâu, bò nhà thả rông trên các vùng núi đồi Tây Bắc.
Bánh cuốn phố cổ Đồng Văn
Bánh cuốn phố cổ Đồng Văn – Hà Giang là một món ăn độc đáo, khác xa so với những món đặc sản khác ở Hà Giang. Đây là món ăn mà du khách thường lựa chọn cho bữa sáng của mình khi tới Hà Giang du lịch. Một “món lạnh” được ăn cùng chén nước lèo ninh xương nóng hổi, bạn sẽ cảm thấy ấm bụng hơn trong thời tiết se se lạnh ở vùng cao nguyên đá này.
Cháo Ấu tẩu:
Đêm mùa đông lạnh lạnh, lang thang ở thị xã Hà Giang, kiếm một góc quán và gọi món cháo ấu tẩu. Đủ các cung bậc mùi vị trong một bát cháo nhỏ: thơm lôi cuốn của gạo nếp cái hoa vàng trộn với gạo tẻ thơm được trồng trên nương nấu nhuyễn, vị bùi của củ ấu được ninh kỹ và nước hầm chân giò béo ngậy, mùi lá thơm, lá gia vị. Bát cháo ấu tẩu nhìn rất hấp dẫn bởi sự kết hợp hài hòa giữa gạo, thịt băm, nước xương, rau thơm…
Cơm Lam Bắc Mê: Cơm lam Bắc Mê là thứ quà dân dã đồng thời là món ăn phổ biến của nhiều đồng bào dân tộc ở phía Bắc. Cơm Lam được làm từ gạo nếp nương, rồi nướng trong một ống tre nứa, dài. Vị cơm lam thơm và ngọt, ăn dẻo và bùi bùi, du khách đến Hà Giang không chỉ thưởng thức mà còn mua về làm quà rất nhiều.là một trong sản vật đặc sản của cùng đất Hà Giang. Món ăn này từ lâu đã đưu du khách đặc biệt yêu thích và lựa chọn làm quà về mỗi khi tới cao nguyên đá. Món ăn có hương vị ngon, hấp dẫn khó quên khi thưởng thức chúng chỉ một lần.
Bánh hoa tam giác mạch, hoa tam giác mạch trước khi là ‘đại sứ du lịch’ của vùng đất Hà Giang thì đã từng là lương thực cứu đói trong mùa đông và dùng với nhiều mục đích khác. Thân cây hoa được dùng như rau ăn thường ngày, rồi cả thân và lá được dùng như một vị thuốc Đông Y chữa dạ dày, và hạt hoa có thể dùng ủ rượu hoặc làm bánh hoa tam giác mạch. Hạt hoa được thu hoạch, phơi xay thành bột như bột mì, nặn thành bánh, đem đi hấp chín, sau đó lại nướng thêm cho dậy mùi. Hương thơm dìu dịu từ chiếc bánh chắc chắn sẽ làm hài lòng những thực khách đến Hà Giang.
Chè shan tuyết
Chè Shan Tuyết được trồng ở khắp các huyện của Hà Giang, nhiều nơi có cây cổ thụ cao tầm 300 – 1000m. Ai đã từng thưởng thức chè Shan Tuyết Hà Giang thì chắc hẳn khó có thể quên được hương vị thơm ngon của chúng. Loại chè này sạch, khi chăm sóc, người dân sử dụng biện pháp tự nhiên nên không hề có những hóa chất độc hại. Và chè Shan tuyết được thu hoạch 4 vụ trong năm nên tới Hà Giang, du khách đến Hà Giang vào thời điểm nào cũng có thể thưởng thức hương vị thơm ngon của trà Shan tuyết.
Rêu Đá: Lâu nay, rêu đá chỉ được coi là 1 loại thủy sinh không nhiều tác dụng. Nhưng đối với người dân tộc Tày ở xã Xuân Giang huyện Quang Bình tỉnh Hà Giang, thì rêu đá được coi là đặc sản trong ẩm thực của họ. Các món ăn được chế biến từ rêu đá còn được gọi là quẹ.
TÁO MÈO
Bạn có thể rất dễ dàng bắt gặp những gánh táo mèo ở bất kỳ một phiên chợ nào của Hà Giang. Loài quả nhỏ, giòn, hơi chua, hơi chát này là một món quà thiên nhiên ưu đãi cho đồng bào H'mong. Bạn có thể mua quả tươi về ngâm cùng rượu. Rượu ngâm từ táo mèo chính là một vị thuốc hiệu quả để chữa bệnh cao huyết áp, đã được nhiều người biết đến.
Xôi ngũ sắc: Cộng đồng các dân tộc vùng núi phía Bắc sở hữu một nền văn hóa ẩm thực vô cùng đa dạng và độc đáo. Trong đó, xôi ngũ sắc hội tụ được những giá trị truyền thống, mang ý nghĩa về quan niệm vũ trụ, triết lý âm dương và ý nghĩa nhân sinh cao đẹp.
Gọi là xôi ngũ sắc vì khác với các loại xôi thông thường, xôi ngũ sắc được tạo nên bởi năm loại xôi với năm màu khác nhau. Đó là màu đỏ, màu vàng, màu xanh, màu tím và màu trắng. Bạn có thể dễ dàng tìm thấy xôi ngũ sắc tại các phiên chợ ở Hà Giang.
Thắng Dền: Lên Đồng Văn, giữa thị trấn hun hút gió mùa đông mà được ngồi bên bếp lửa ăn bát thắng dền, thật không có gì ấm áp và thú vị bằng.
Thắng dền thơm ngon hay không là ở bát nước dùng, được pha bởi hỗn hợp ngọt ngào của đường, béo ngậy của nước cốt dừa và cay cay của gừng đun nóng. Có thể rắc thêm vừng hoặc lạc cho món ăn thêm bùi. Khách ăn thường bỏ một hai viên thắng dền vào ngậm trong miệng một lúc, ngấm cái vị ngọt béo của nước đường, vị cay se se của gừng tươi, vị bùi ngậy của vừng lạc.
Lạp xưởng gác bếp: Lạp xưởng ở Hà Giang có mùi của nắng vùng cao, mùi của khói bếp, thoảng mùi gừng, mùi rượu, mùi mắc mật thơm một cách đặc biệt. Vị dai của lòng, vị ngọt của thịt nạc, vị béo của mỡ hòa quyện với nhau, ăn thật ngon miệng. Nhấp thêm chút rượu nữa thì càng thêm khoái khẩu.
CÁC PHIÊN CHỢ HÀ GIANG
Chợ ở Huyện Quản Bạ
- Chợ huyện họp tại Thị trấn Tam Sơn vào sáng thứ 7 cuối tuần
- Chợ Cao Tả Tùng là phiên chợ của 3 xã Cao Mã Pờ, Tả Ván, Tùng Vài họp vào thứ 6 hàng tuần
- Chợ Tùng Vài – 5 ngày họp một phiên
- Chợ Tráng Kìm (thuộc xã Đông Hà) họp vào ngày Mùi và ngày Sửu
- Chợ Nghĩa Thuận – Họp vào ngày Thìn và ngày Tuất, hôm trước ở Việt Nam thì hôm sau ở Trung Quốc
Chợ ở Huyện Yên Minh
- Chợ Yên Minh – họp vào sáng chủ nhật hàng tuần
- Chợ Bạch Đích – Có 3 phiên chợ mỗi tuần là Chợ Cửa khẩu Bạch Đích hay chợ Mốc 9 hoặc chợ Mốc 358 họp vào sáng chủ nhật. Chợ bản Muồng họp vào thứ 7, cuối cùng trong 3 phiên chợ của xã là chợ Tráng Lệ.
- Chợ Du Già – Họp vào sáng thứ 6 hàng tuần.Chợ họp ngay ở trung tâm xã, địa hình tương đối bằng phẳng. Đây là một trong những phiên chợ khá hoang sơ và đậm nét văn hoá dân tộc, trong buổi chợ thường diễn ra các hoạt động văn hoá văn nghệ.
- Chợ Đường Thượng – Họp vào thứ 6 hàng tuần
- Chợ Mậu Duệ – Họp vào sáng chủ nhật
- Chợ Sủng Tráng – Họp vào sáng chủ nhật
Chợ Huyện Đồng Văn
- Chợ Trung tâm – Chợ Đồng Văn -Họp vào sáng chủ nhật hàng tuần
- Chợ Sủng Trái – họp thường xuyên vào các ngày Sửu (ngày con Trâu) và ngày Mùi (ngày con Dê) hằng tháng.
- Chợ Lũng Phìn – Họp vào ngày Dần và ngày Thân
- Chợ Phố Cáo – Họp vào ngày Thìn và ngày Tuất
- Chợ Xà Phìn – Họp vào ngày Tỵ và ngày Hợi )
- Chợ Sủng Là – Họp lùi
- Chợ Ma Lé – Họp vào ngày Tý và ngày Ngọ
- Chợ Lũng Cú – Họp vào ngày Mùi và ngày Sửu
- Chợ Phó Bảng – Họp vào ngày Ngọ và ngày Tý
Chợ Huyện Mèo Vạc
- Chợ Trung tâm – Chợ Mèo Vạc họp sáng Chủ nhật hàng tuần
- Chợ Cốc Pài (Chợ Huyện) họp vào sáng chủ nhật
- Chợ Niêm Sơn – Họp 5 ngày một phiên
- Chợ Khau Vai – Họp vào sáng các ngày mùng 2, 7, 12, 17,22, 27 (âm lịch) trong tháng.
- Chợ tình Khau Vai họp 1 năm 1 lần vào ngày 27/3 âm lịch
- Chợ Sủng Trà – Họp vào ngày thứ 7 hàng tuần
- Chợ Pà Vầy Sủ họp vào thứ 5 hàng tuần
- Chợ Nàn Xỉn họp vào thứ 5 hàng tuần
- Chợ Chí Cà họp vào thứ 6 hàng tuần
- Chợ Xín Mần họp vào thứ 6 hàng tuần
- Chợ Thèn Phàng (Chợ Km 26) họp vào sáng thứ 7 hàng tuần
Thật tuyệt vời phải không mọi người ơi ! hãy lên kế hoạch chinh phục Hà Giang ngay thôi, nhớ chụp thật nhiều hình làm kỷ niệm nhé và đừng quên chia sẻ những trai nghiệm thú vị với mọi người nhé !
Nguồn tổng hợp